Uyên Thùy
Bạn có muốn phản ứng với tin nhắn này? Vui lòng đăng ký diễn đàn trong một vài cú nhấp chuột hoặc đăng nhập để tiếp tục.
Latest topics
» A Piece of My Soul...
by Thùy Tâm September 1st 2011, 01:26

» Trở Về Sweet Home
by Thùy Tâm August 26th 2011, 23:56

» Thì Thầm Nhỏ To
by Thùy Tâm August 22nd 2011, 20:47

» Mấy Chuyện Bình Thường
by Thùy Tâm August 22nd 2011, 20:20

» Bình Yên Một Thoáng ...
by Thùy Tâm August 22nd 2011, 20:19

» Vườn Nhà NU
by Thùy Tâm August 22nd 2011, 20:17

» Cao Cung Lên
by MChau December 18th 2010, 23:59

» Em Được Khen Là Em Bé Ngoan
by Bé Ngoan November 25th 2010, 04:24

» Những Điều Bình Dị
by Bé Ngoan November 12th 2010, 05:08

» Góc Học Tập Của Bé Ngoan
by Bé Ngoan September 28th 2010, 04:27

» cũng bắt chước ...
by Nhã Uyên September 16th 2010, 04:01

» Ẩm Thực Nhân Gian
by Bé Ngoan July 19th 2010, 05:03

» Mừng Sinh Nhật Thuỳ Tâm
by Hà Giang June 13th 2010, 20:16

» Tạp Ghi - Hà Giang
by Thùy Tâm June 11th 2010, 17:28

» Nếu một ngày - Thùy Tâm - MChâu
by Thùy Tâm June 3rd 2010, 23:46

» Nghe Nhạc Với Thùy Tâm Nha Cả Nhà
by Thùy Tâm May 22nd 2010, 14:07

» Hành trình trên đất phù sa - Song ca
by Thùy Tâm May 21st 2010, 00:59

» Người lính gìa xa Quê Hương - Quang Nhựt Bảo Hân - MChâu
by Thùy Tâm May 14th 2010, 02:59

» khi em thoáng qua đời tôi
by MChau May 10th 2010, 10:45

» Những Bài Viết Cũ
by Bé Ngoan May 7th 2010, 04:44

» Cho Con ...
by Bé Ngoan May 7th 2010, 04:33

» Vụn Vặt Trong Tuần
by Hà Giang April 27th 2010, 17:09

» Thơ Bá Láp
by Bé Ngoan April 26th 2010, 05:33

» Thức ăn và sắc đẹp
by Thùy Tâm April 16th 2010, 01:20

» Những Bài Thơ Cũ
by Bé Ngoan February 19th 2010, 04:16

» Đón xuân này nhớ Xuân xuân xưa - Quốc Bảo - MChau
by Nhã Uyên February 1st 2010, 01:36

» Chuyện vui: MAY QUÁ !
by Anh Sáu December 28th 2009, 03:56

» CHÚC MỪNG GIÁNG SINH VÀ NĂM MỚI !
by Nhã Uyên December 25th 2009, 01:39

» Trang Nhạc Mai Đằng
by Mai Đằng December 23rd 2009, 15:56

» Happy Birthday to chị Bé Na
by Bé Na December 21st 2009, 17:42


Những Bài Viết Cũ

3 posters

Go down

Những Bài Viết Cũ Empty Những Bài Viết Cũ

Bài gửi by Nhã Uyên April 29th 2010, 04:55

Tình Chưa Trọn Vẹn





...Nhã dùng đũa bếp vung xới ghế nồi cơm , khoét một lỗ tròn ở giữa , hạ thấp ngọn lửa của chiếc lò dầu xuống còn một màu xanh dương rồi lật đật bung chân chạy ra chơi với đám bạn hàng xóm. Chúng đang chia phe để chơi keo. Bao giờ Nhã và Trân cũng muốn cùng phe. Nên khi bắt cặp chúng phải tách ra đứng cặp với một đứa khác để khi oảnh tù tì thì lại trùng với nhau. Hoặc khi bàn tay trắng bàn tay đen thì chúng nháy nhó để xoè bàn tay cùng một màu. Không hiểu tại sao Trân lúc nào cũng chìu Nhã. Những trò chơi dùng sức như chơi U , chơi lùa vịt...nhiều khi Nhã bị bắt , Trân đều ra sức cứu bồ và che chở cho Nhã dù mình có bị phạt. Nhã biết mình " có uy" không phải chỉ với Trân mà với cả anh Long , anh Hai của Trân.

Bác Tư Thiệp là ba của anh Long và Trân ,nhà hàng xóm với Ba Mẹ Nhã. Bác Tư nổi tiếng trong xóm là trồng hoa đẹp. Những giò lan của Bác năm nào cũng nở những búp hoa xinh xắn mạnh mẽ. Từ dưỚi đất nhìn lên ban công chỉ thấy một hàng chậu cây và một giàn lá dây leo xanh mướt. Nơi đó là chỗ lý tưởng nhất cho bọn trẻ như bọn Nhã chơi năm mười trốn tìm . Những lúc hoa nở. Bọn con nít thường ngóng cổ lên vòi vĩnh anh Long hái hoa ném xuống cho. Nhã khinh khỉnh không thèm làm cái trò con nít đó , vì nó biết chắc chắn anh Long đã để dành cho nó một cành hoa đẹp nhất. Kể cả những con bướm ép trong quyển tập sinh vật học của nó cũng được anh Long sưu tập dùm.Có khi Trân nhét vào tay Nhã những chiếc kẹo trái cây thơm nức mũi bảo là : " anh Long để dành cho mày đó "

Ba Mẹ Nhã chỉ có một mình nó. Người ta nói nó là " con cầu tự " , dù không phải con trai , nó vẫn được "nâng như trứng hứng như hoa" theo lời của chú Út Thạnh của nó.Chú Út cũng không lớn hơn nó bao nhiêu. Năm nó lên tám thì chú chỉ mới mười sáu . Bạn bè của Chú kể cả anh Long , Nhã đều gọi là anh. Có lẽ họ thích được làm "anh " của Nhã hơn.Ngoài chú Út hay lên giọng đàn " chú " với nó , Nhã sinh ra để được tưng tiu chìu chuộng , nhưng cũng không đến nỗi xấu nết lắm. Nó không thấy có gì ngạc nhiên khi Trân xách cặp hay còng lưng chở nó đi học. Nó không thấy gì lạ trong ánh mắt anh Long khi dạy nó làm toán , làm văn hoặc chăm chú ngồi nghe nó hát. Chỉ một lần khi đang chơi năm mười. Bọn con nít túa đi trốn. Nó gấp gáp hổn hển phóng vào nhà Bác Tư , cũng may có anh Long trong nhà. Anh giấu nó sau bụi hồng kế hàng dâm bụp. Không biết loi choi thế nào , nó bị sướt phải gai. Ngón tay trắng muốt như những cánh phong lan chưa hé với những bông sữa ứa một lằn máu. Anh Long cuốn quít nhào tới. Và trước cặp mắt trợn tròn kinh ngạc của nó khi nhìn thấy anh xuýt xoa hút dòng máu độc . Sau đó anh xoay vào nhà đem bông và thuốc chống nhiễm trùng thoa và băng lại .

Hình như từ đó về sau , Nhã không còn chạy qua nhờ anh Long giải toán. Không còn bắt anh ép khô những đóa hoa , những cánh bướm. Có điều gì e ấp thật khó diễn tả trong lòng Nhã. Đầu óc Nhã còn quá non nớt để phân tích và giải thích tâm lý của chính mình. Nó vẫn còn ham nhảy dây , tụm năm tụm ba với bọn gái để ăn quà. Lâu lâu vẫn chỏ mỏ cãi nhau với bọn con trai cùng lứa. Nhưng trong thâm tâm , Nhã luôn coi đó là bọn quỷ nhỏ còn hôi miệng sữa. Anh Long vẫn qua nhà chơi với Chú Út , nhưng không còn gọi Nhã lại ngồi gần để anh kể truyện cổ tích cho nghe...

Tám năm sau , khi Nhã vừa bước vào tuổi dậy thì , cũng là lúc Chú Út và anh Long đến tuổi vào quân ngũ. Họ được trưng tập vào trường sĩ quan võ bị Thủ Đức . Mấy năm rèn luyện ở quân trường đã làm các anh trừ bị thay đổi màu da thành rám nắng đen giòn khoẻ mạnh , mái tóc hớt cao , bộ quân phục lính và đôi giày boot làm họ trở thành những thanh niên vạm vỡ , hiên ngang ...Đồng thời họ cũng thay đổi phong cách như : hút thuốc , uống rượu và chửi thề như chẳng coi đời ra gì...Mỗi lần về phép ít ỏi của họ Ba Mẹ nó cũng khó giữ chân chú Út ở nhà. Chú Út về nhà mà nhậu nhẹt hay giỡn với mấy người bạn thì Nhã cũng rút ở trên lầu , không hề ló dạng.

Mùa Xuân năm đó , Mẹ biểu Nhã cùng lên Chùa cúng dường Tam bảo , xin xâm và hái lộc để gia đình bình an vô sự. Chiều ba mươi Tết , sau khi thay xong chiếc áo dài màu hoàng yến thêu những đóa cúc đại đóa trắng tao nhã với những cánh hoa rớt dài trên vạt áo . Nhã yểu điệu hất mái tóc dài ra sau gáy. Dù thường ngày quen mặc áo dài trắng đi học , nhưng Nhã chưa quen mang giày đế nhọn cao chót vót với chiếc mũi giày hơi cong nhỏ xinh xinh.

Vừa xuống tới phòng ngoài kề phòng khách , Nhã bỗng khựng lại vì nghe tiếng ồn ào của chú Út. Có cả anh Long. Không biết họ đã về khi nào. Và hình như anh Long xin phép chở Mẹ đi Chùa trong khi Chú Út bị kéo đi nhậu với một đám bạn ồn ào như ong vỡ tổ. Mẹ hình như đã thấy thấp thoáng bóng Nhã sau rèm :

_Nhã , con làm gì mà lâu quá vậy??? Đừng để anh Long chờ. Chùa nên đi sớm để còn nghe giảng , đi trể chen lấn đông quá. Mẹ không thích...

Nhã biết không thể núp lại lâu hơn nên lấy giọng điềm tĩnh với khách :

_ Mẹ à , chắc con đi với Mẹ không được Mẹ nhờ anh Long chở giúp nhé.

Mẹ bực mình hỏi :

_ Cái con này. Sao hồi chiều hứa đi với Mẹ. Bây giờ lại đổi ý. Con gái không được nói tới nói lui hai ba chập nghe không?

Nhã bối rối :

_ Con... con hơi nhức đầu. Sợ chổ đông người... NHã khô khan kiếm chữ gì để diễn tả bệnh nhức đầu đột xuất của mình

Cuối cùng thì Mẹ cũng tha cho Nhã. Biểu ở nhà lo uống thuốc rồi đi nghỉ ngơi cho sớm. Đừng để đầu năm đầu tháng mà như bún thiu. Gái mười bảy bẻ gãy sừng trâu . Mà Nhã đã tới mười bảy đâu. Thôi thì sừng gì cũng được. Miễn không phải đi chung với anh Long là được rồi .

Vài hôm sau , khi trời đã chạng vạng tối , trời không trăng không sao. Trong xóm vẫn còn đì đùng tiếng pháo Tết nổ rời rạc.Nhã vừa đi chúc Tết thầy cô về. Người bạn chở đi cùng vừa bỏ Nhã xuống đầu xóm. Đi ngang qua nhà Bác Tư , Nhã bỗng thấy lấp loé một đóm lửa nhỏ. Ai đang đứng trong bóng tối hút thuốc. Đang e dè không biết có nên đi ngang qua đó hay không. Nếu đứng lại chỉ còn đường chờ vì không còn ngã nào khác để đi. Nhã giựt mình vì cái bóng đen đã tới gần Nhã lúc nào. Bàn tay cứng cáp mạnh mẽ quàng lên vai Nhã. Vừa ôm vừa đẩy Nhã đứng sát vào hàng hiên vốn đã bị một giàn thiên lý che khuất. Nhã sợ hãi xém rú lên. Giọng Long hơi gầm gừ nửa như năn nỉ , nửa cưỡng ép. Hơi thở mang nồng nặc mùi rượu , mùi thuốc lá và cả mùi mồ hôi của đàn ông mà Nhã chưa bao giờ phải ngửi :

_Nhã , nói chuyện với anh một chút !

Nhã muốn chạy cũng không có đường để chạy. Vì hình như Long đã tấn mọi ngã rút lui của Nhã. La lên thì không dám. Sợ người qua kẻ lại nghe , ngay cả người nhà của Long và Nhã cũng có thể chạy ra , nếu nghe tiếng hét của Nhã. Không biết là một sự đồng tình hay một sự khiếp đảm đã làm Nhã tê cứng tứ chi. Nếu như là một cuộc hẹn hò thì Nhã không bao giờ chấp nhận cuộc hẹn có tính cách cưỡng bức như vậy . Dường như Long quan sát Nhã rất lâu , rất lâu trước khi mở miệng :

_Tại sao em trốn anh???

Nhã loay hoay trong cánh tay nửa như ôm , nửa như tấn của Long giữ Nhã vào vách tường.

_ Em không trốn! Anh Long... để em về đi!

Bàn tay Long nâng càm Nhã lên , bắt ánh mắt nàng phải nhìn thấy chàng. Đôi mắt chàng như hai vì sao sáng rực , nồng nàn , áp đảo. Hơi thở chàng như làn gió nóng ma sát mạnh lên má , lên vành tai đã đỏ ửng và nóng râm rang của Nhã :

_ Sao em không cho anh chở đi Chùa??? Nhã giả bệnh phải không???

Miệng Nhã khô khan , tim đã rớt ra khỏi lồng ngực khi cảm giác bàn tay Long xoa từ vai lần xuống eo như muốn bóp chặt và nhấc bổng Nhã lên . Chiếc áo mỏng bị trì căng cứng gần bị bung đứt hàng nút. Đôi môi tham lam của Long càm ràm gần môi Nhã như mèo vờn chuột...

Nhã bậc khóc thút thít

_Tại anh hút thuốc , uống rượu , chửi thề...

Không biết vì tiếng khóc hay những lời trách của Nhã như thau nước lạnh tạt vào mặt làm Long tỉnh lại. Long buông Nhã ra và nói như ra lệnh

_Em về đi! Anh xin lỗi !

Từ chuyện đêm hôm đó , Nhã trốn Long càng kỹ hơn. Nhã như con ốc càng thụt sâu vào trong chiếc vỏ óng ánh của mình, ngỡ rằng trời bão cũng không làm vỡ căn nhà của mình đưỢc .Một nơi an toàn để che dấu tâm tư. Người ta nói :" Khi yêu người con trai thường muốn hét lên cho cả thế giới biết là mình đang yêu , còn người con gái lại muốn che lấp cửa ngõ tâm hồn " Nhã biết tâm hồn mình không còn phẳng lặng như mặt nước hồ thu nữa , nó chao đảo bởi những cơn sóng tình xáo động. Nó làm Nhã bồng bềnh , lơ lững như ở trên mây , lúc hụt hẫng như một người say trong cơn mộng mị. Sự xáo động này như đánh thức một giấc mơ tiềm ẩn nào đó biến Nhã chuyển tiếp từ một đứa bé sang một thiếu nữ... Nhã giữ kín chuyện này , không dám hé môi với ai kể cả với Trân là cô bạn thân.Nhưng không hiểu Trân có đoán ra chuyện gì không. Càng ngày Trân càng săn đón Nhã. Một điều hôm nay anh Long đi công tác ở đây tiện tay mua cái kẹp tóc này cho tụi mình. Hai điều ở vùng đó có món đặc sản này... Thủy chung sự săn sóc không bao giờ trực tiếp , chỉ qua messenger Trân. Tuy trốn sâu trong chiếc vỏ của mình , lâu lâu Nhã vẫn không nén nổi tò mò dỏng tai nghe động tịnh. Chú Út vẫn om sòm nói với Mẹ:

_Thằng Long cũng có nghị lực lắm đó Chị. Nó nói nó bỏ thuốc , bỏ rượu là bỏ cái một. Không hiểu tại sao lúc này nó lại muốn " tu "...

Mẹ Nhã vô tình hưởng ứng :

_Em cũng nên bỏ những thói quen không tốt đó đi . Vui chơi với bạn bè chút đỉnh thì được. Đừng để trở thành một thói quen xấu...

Nhã im lìm trong niềm kiêu ngạo và vui sướng của chính mình...

Mùa hè năm đó , chiến sự sôi động hơn. Những đợt đầu quân trở nên ráo riết. Không thiếu những người yếu hèn phải trốn quân dịch bằng đút lót tiền bạc , cắt cụt một lóng tay trỏ hay gởi con đi du học...Cả những si quan trù bị cũng được điều ra chiến trường. Gia đình Nhã cũng trong cơn nhốn nháo phải đổi về Sài Gòn. Dù sao thủ phủ vẫn còn yên tĩnh hơn những vùng lân cận. Ngày ngày đi học , Nhã vẫn lắng nghe tin tức những trận đánh , những vùng chiến thuật ... Trong khói lửa của chiến tranh , không có niềm đau nào có thể sánh với nhau. Những tấm khăn sô cho những người thiếu phụ , những đứa con lạc lõng mất cha , những căn nhà , trường học trong phúc chốc chỉ còn lại một đóng gạch vụng và tro tàn khói lên nghi ngút...Không còn Chùa chiềng , Nhà Thờ , không có Phật Chúa nào rảnh rỗi để chứng nghiệm những lời van nỉ cầu xin. Không có một lá bùa bình an nào có thể làm lá chắn để bảo vệ những người lính ra đứng đầu trận tuyến. Hằng đêm nghe tiếng pháo kích đì đùng ven đô , Nhã vẫn giựt mình khiếp sợ , mắt ráo hoảnh , môi bập bẹ những lời cầu xin cho những người thân thương của mình tránh khỏi tai kiếp.

Trước ngày mất nước , Chú Út Thạnh đã trở về nhà. Râu tóc chưa cạo , mình mẩy còn hôi mùi thuốc súng. Giọng cấp bách Chú bắt Ba Mẹ phải dẫn Nhã đi di tản ngay . Nước mắt của Mẹ , giọng quyến luyến của Ba vẫn không giữ được chân của Chú.

_Quốc gia tai biến , em chỉ sống có một kiếp này. Em không thể nhìn đồng đội từng người từng ngưỜi ra đi mà mình lại an phận tháo chạy... Nếu có lành lặn em cũng không thể sống đối diện với lương tâm của mình...

Từng lời của Chú như mũi dao lóc từng miếng thịt của Ba , Mẹ và của Nhã. Những chứng nhân cho cuộc chiến hung tàn...

Chiều đó , vừa về tới cổng nhà. Nhã đã nghe tiếng khóc của Trân. Mẹ Nhã đang ôm Trân và đứng chết lặng khi nhìn thấy Nhã . Nhã hiểu một quả bom đã rớt xuống đời mình...

Tại quân y viện , Nhã đã được vuốt mắt Long lần cuối. Trên đời ai lại không một lần chết ! Ai đã từng được yêu dù tình yêu không trọn vẹn. Long ơi ! Long hãy đem tình yêu đầu đời của Nhã xuống tuyền đài

Nắng chưa tắt trên đường em đi
Khói tỏa làn sương lúc xuân thì
Theo anh năm tháng âm dương mộng
Dang díu tình đời đọng trên mi...

( Truyện ngắn đầu tay )
Nhã Uyên
Nhã Uyên

Tổng số bài gửi : 887
Join date : 15/08/2009

Về Đầu Trang Go down

Những Bài Viết Cũ Empty Re: Những Bài Viết Cũ

Bài gửi by Nhã Uyên April 29th 2010, 04:59

Vỡ Lòng




Mỗi người trong chúng ta ít nhiều gì cũng có những kỷ niệm về thời ấu thơ. Lúc chập chững cắp sách tới trường , tay trong tay người lớn , rụt rè , hồi hộp hay xúng xính trong bộ quần áo mới...Tôi cũng trải qua đoạn đường đó , nơi một làng quê xa xôi , hẻo lánh , nghèo nàn...

Vừa tròn năm tuổi , Mẹ đã báo với tôi :" Năm nay, con sẽ vào lớp một ". Hơi sững sờ một chút , nhưng tôi không sợ vì tôi thích đi học như Chi Hai. Đó là một thế giới hoàn toàn mới lạ . Có những phòng ốc liền sát nhau. Mỗi lần ra chơi hay về , học sinh túa từ lớp học , trông giống như bầy ong bay ra từ tổ tò vò của mình.

Tôi thích chiếc cặp của Chị , có in hình bản đồ thế giới và quốc kỳ của mọi nước. Thích bộ đồng phục áo sơ_mi trắng , váy xanh có hai sợi giây tréo hình chữ X sau lưng. Tôi thích chiếc nón tai bèo có chiếc quai là một sợi nơ màu hồng. Và điều tôi thích nhất là Chị có tiền quà , chị có thể ăn hàng hay để dành mua cho tôi một chiếc kẹo nhỏ , một cái bong bóng...Thường thì Chị hay hứa hối lộ cho tôi những lúc Chị đang chơi cò cò , nhảy dây với những người bạn mà tôi cũng muốn tham gia nhưng còn quá nhỏ , và Chị cho là "con nít không được phá đám "...

Có thể nói cái thời sung túc đã qua , hay đã đổi đời. Ngay cả ươ'c mơ nho nhỏ cũng không thành hiện thực. Trong tiềm thức của tôi , quê hương nơi chôn nhau cắt rốn chỉ là những ảnh lờ mờ về giếng nước , gốc đa , hàng tre , tiếng tắc kè về đêm nghe buồn thảm...

Sau khi nhà nước Cộng Sản lấy lại căn nhà ở trại gia binh nơi Cha Mẹ đã ở sống từ lúc lấy nhau tới khi chúng tôi ra đời. Ba bị vào trại tập trung. Tôi không có khái niệm gì về Ba , cho đến lúc đi học và cầm bút viết được mấy chữ ngoằn ngoèo " Ba ơi , Ba khẻo không ? "

Lúc tôi chừng ba , bốn tuổi ỏ nhà Bà Hai . Bà chia nhà làm đôi. Khúc trước cho một nhóm cô giáo dạy cùng trường với Mẹ mướn . Họ là những giáo viên mới ra trường , chưa có gia đình , nhà họ ở Sai Gòn .Họ phải thực tập ở tỉnh lỵ trước nên mướn nhà trọ ở . Ban đêm họ thường tụ tập nấu chè , ăn bánh , ca hát... Nhiều khi buồn buồn họ ôm tôi lên gối ngồi ,rồi bắt đầu chọc " Con là con của ai?", " Ba Mẹ con lụm con ở đầu đường phải không? Sao con không giống Chị và Anh con ?" . Ban đầu thì tôi còn trả lời son sỏn " Con của Ba Mẹ " , "Con giống Mẹ , anh chị con giống Ba "...Nhưng bao giờ cũng kết thúc bằng tiếng òa khóc của tôi vì cãi không lại với một đám người lớn . Rồi họ dỗ dành tôi bằng bánh , kẹo hay kể chuyện rồi mới cho tôi đi ngủ.

Mấy Mẹ con tôi ở gian nhà sau , cũng chỉ là một phòng với một chiếc giường thô cũ kỹ nằm chen chút nhau. Mỗi ngày tới giờ đi làm Mẹ thường nhốt chị em tôi trong căn phòng đó. Mẹ sợ chúng tôi nghịch phá hay đi lạc , vườn tược mênh mông có nhiều rắn rít. Chúng tôi trong căn phòng như những người tù , chỉ đón ánh sáng qua khung cửa sổ thật nhỏ. Cũng may gia đình bà Hai có mấy người con , cũng là học trò của Mẹ . Tôi chỉ biết anh Tám , chị Chín và chị Mười.Những người lớn hơn có lẽ đã lập gia đình. Con trai con gái miệt vườn thường không học cao. Họ học cho biết mặt chữ , tới lớp chín thì nghỉ ở nhà lấy vợ gả chồng hay phụ việc đồng áng với cha mẹ. Từ anh Tám trở xuống cũng như vậy.Chị Mười là con Út nên được nhởn nhơ hơn chị Chín và anh Tám. Chúng tôi thường thấy chị đi lơn tơn bên ngoài cửa sổ . Mái tóc dài quá eo , phất qua phất lại theo dáng chị đi. Chị thường đứng bên khung cửa chơi với chúng tôi . Chị cũng là người tiếp tế nhiên liệu , những trái cóc , me dốt , ổi sẻ , khía ô_ môi , những trái thị , trái hồng quân. Chị dạy chúng tôi ăn hồng quân ( hay bồ quân ) phải vò lăn tròn trong lòng bàn tay , đến mềm thì ăn mới không chát và mũ không dính đen răng. Có lúc là những viên ô mai mà chính tay chị làm. Bù lại anh tôi cũng đưa lại cho chị vài viên thuốc tể . Những viên thuốc to hơn viên bi , mùi hăng hắc thuốc Bắc , đen và dẻo như kẹo chuối . Không biết bổ gì đó mà Mẹ thường phát cho mỗi đứa một viên trước khi đi. Không biết Chị có ăn không nhưng vẫn cầm khi anh tôi nhe hàm răng sún ra cười với Chi.

Sau này , có khi tôi hỏi tại sao Mẹ lại cho con đi học sớm quá vậy. Mẹ thường trầm ngâm nói " Ngày xưa vì sợ anh con phải đi quân dịch , nên chị em con đều phải học thúc . Đứa nào cũng phải đi học trước tuổi...Thời buổi loạn lạc , tính là tính vậy thôi chứ không dễ gì thực hiện " Tôi biết còn một nguyên nhân nữa là Mẹ không có người giữ con. Việt Cộng bắt những giáo sư ngoài đi dạy ra còn phải đi "lao động ". Một hình thức như kinh tế mới : đắp đê , trồng cây, sơn trường ... Mẹ thường nói :" Thời buổi thay đổi , quét dang lau công thì lên làm chủ tịch. Giáo sư thì bị bắt đi hốt rác. Học trò thì quàng băng đỏ đoàn đoàn , đội đội. Xưng hô với thầy cô trong những buổi phê bình là đồng chí này này , nọ nọ...Một hình thức đấu tố " . Đó là thế giới học đường sau ngày mất miền Nam.

Những điều sầu muộn của người lớn không ảnh hưởng tới đầu óc non nớt của chúng tôi. Tôi cắp sách tới trường vào một ngày đẹp trời. Những tia nắng dịu dàng quét lên chiếc áo bà ba trắng bằng vải thô vẫn còn cứng hồ , chiếc quần đen vải ú hay loại vải gì đó mà màu đen vẫn không được nhuộm đều và đúng chất lượng , nó thành màu xanh lá cây xậm. Tôi sung sướng ôm chiếc cặp bằng chỉ móc với cuốn tập , cây bút chì và một cái bảng đen nhỏ.Đôi guốc mộc nặng trình trịch dưới chân không kéo lại được những bước chân sáo nhảy nhót của tôi. Cô giáo lớp một của tôi dáng ốm ốm ,thanh tao tóc dài , áo trắng , quần đen. Cô giản dị , dịu dàng và có vẻ cô lẻ như Mẹ tôi. Trong trí tôi Cô cũng là một điển hình của phụ nữ Viet Nam.

Trường tôi học là một trường tiểu học ( lớp một đến lớp năm) với hai dãy lớp . Mỗi dãy chỉ có năm lớp học. Mỗi lớp chứa chừng năm mươi học sinh. Phải chia làm hai ca , sáng và chiều. Lớp sáng từ bảy giờ học tới mười hai giờ trưa. Còn lại lớp chiều mười hai giờ rưỡi tới năm giờ rưỡi. Sân trường chỉ có một cột cờ , không được tráng xi _măng. Bụi , cát đỏ bay mịt mù trong giờ chơi. Sau trường là một bụi gai... Phía bên kia bụi gai là một cánh rừng cao_su. Đối với bọn trẻ thì đó là rừng. Chúng tôi không bao giờ vượt quá cánh rừng đó. Qua khỏi cánh rừng có lẽ tiếp giáp với nương rẫy của nông dân. Tôi không nhớ được cái toilets của trường nằm ở đâu. Vì mỗi lần đi vệ sinh thì tôi và nhỏ bạn thường ra sau bụi cây um tùm và chúng tôi tưới trên bụi và lẫn cát. Chúng tôi gọi đó là làm " bánh khọt". Chắc các bạn không hiểu bánh khọt gì mà ghê như vậy. Đối với bọn trẻ nhà quê không có những đồ chơi , chúng tôi cũng chơi bán hàng , nấu cơm với bất cứ cái gì lượm được trong tầm tay . Những trái gòn còn non như những trái dưa chuột nhỏ , chúng tôi tha hồ cắt gọt . Lấy nước chế vào cát chừng vài giọt tùy theo lớn nhỏ . Chỗ cát ướt dính vào nhau thành bánh , chúng tôi moi lên gọi là "bánh khọt". Bọn con trai chơi tạt lon , đánh đáo hay chia phe đánh giặc giả... Quần áo chúng tôi bao giờ cũng lấm lem , nhiều đứa rách rưới , mũi chảy lòng thòng , con gái có chí là chuyện thuờng . Gạo bán phân phát của nhà nước không đủ nuôi những đứa trẻ vàng vọt bủng beo như chúng tôi , vậy mà vẫn nuôi nỗi đạo quân chí rận , ghẻ ngứa. Thiếu nước thì xài nước giếng " bàn tay ta làm nên tất cả , với sức người sỏi đá cũng thành cơm " hay " thay trời làm mưa , nghiêng đồng tát nước " .Thiếu điện thì làm bạn với trăng không còn cảnh " có lê quên lựu , có trăng quên đèn ". Sống như những ngày Bác ở chiến khu Việt Bắc. Dầu thô để thắp đèn cũng phải tiết kiệm.

Chúng tôi sống theo mặt trời. Thức dậy theo tiếng gà gáy , dùng ánh sáng mắt trời làm đồng hồ ( không khác gì thời kỳ đồ đá ). Ánh sáng tới bậc cửa thì phải thay quần áo cho xong. Nghe tiếng kẻng thứ nhất bên kia đường thì bắt đầu chạy băng qua đường vào trường. Chiều về phải ăn cơm trước mặt trời lặn. Mẹ tôi vừa dạy Chị em tôi học , vừa soạn giáo án hay chấm bài cho học sinh. Đêm đêm nhìn bóng Mẹ nghiêng nghiêng in trên vách tôi thấy Mẹ tượng trưng cho hình ảnh "Thiếu Phụ Nam Xương" , " Hòn Vọng Phu "...Mẹ đã kiêm chức Cha , Mẹ và cả Thầy cho chúng tôi. Một nghị lực như vậy chẳng mấy ai có được ở một đất nước tự do , một hoàn cảnh xã hội khác.Ngày ấy chúng tôi phải ngợi ca công ơn Bác , Đảng và tiến lên Chủ Nghĩa Xã Hội như thế đó

Mấy tháng bắt đầu đời học sinh của tôi trôi qua êm ả. Tôi học đánh vần viết chữ như bao trẻ khác . Chỉ lần đầu đến giờ tập hát, mỗi đứa tự đứng trước lớp hát một bài. Tới phiên tôi , tôi lóng ngóng trước lớp hơi lâu vì không biết một bài hát nào trong tuổi mẫu giáo mà tôi chưa hề trải qua, hay ngày ngày bị đầu độc bằng chiếc loa phóng thanh ở đầu đường , tuyên truyền chính sách sách của Đảng , nhà nước ... Tôi ấp úm :" Thưa cô , con xin hát bài Giải Phóng Miền Nam...". Có tiếng cười khúc khích dưới lớp , gương mặt tôi cũng đỏ bừng vì mắc cỡ. Cô giáo đã cứu nguy tôi bằng tiếng hắng giọng :" Các em phải ngồi yên lặng , nghiêm trang vì đây là bài Quốc Ca của chúng ta ". Thế rồi tôi ngất ngư với giọng non nớt của mình cái gì là "...ôi xương tan , máu rơi. Lòng hận thù ngất trời , sông núi bao nhiêu năm cắt rời. Đây Cửu Long hùng vỹ , đây Trường Sơn vinh quang... ". Có lẽ chưa có một bài quốc ca nào lại hiếu sát như vậy , toàn máu đổ thịt rơi , tàn sát như tính ngông cuồng của bọn Cộng Sản. Nghĩ lại vẫn còn thấy rùng mình...

Vài tháng đi học trường làng không lâu. Mẹ tôi vì là giáo sư của chế độ cũ , chắc sau những buổi lao động và cải cách tư tưỞng vẫn không thuyết phục được mấy ai. Nhà trường giải tán và cắt chức những giáo viên cũ , chỉ để những giáo viên mới ra trường còn dạy. Gia đình tôi sang một khúc rẽ mới. Mẹ quyết định dọn về Sài Gòn , kiếm cớ sinh nhai và nuôi lớn chúng tôi . Từ đây tôi không còn những trò chơi của lũ trẻ đồng nội , trèo cây , lượm củi. Tôi không được ngửi mùi lá khô sưởi ấm mùa đông , không nghe tiếng chim ca mùi hạ , không thấy những cánh đồng xanh mút tầm mắt với cánh cò , cánh vạc bay là là , những vườn cây rậm rạp huyền bí...Lúc đó đưỢc về Sài Gòn đối với chúng tôi là một chuyện vui , tôi nhảy cẩng sung sướng , lòng nôn nao khôn tả , cả đêm không ngủ được. Chỉ có một hình ảnh tôi ghi mãi trong lòng. Lúc Mẹ kêu một chiếc xe lôi để dọn đồ , chị em tôi tay mang tay xách . Mũi chảy lòng thòng không có tay để quệt . Tôi thấy Cô giáo đi ngang về . Giọng Cô từ tốn , bùi ngùi :" Con đi luôn hả?". Tôi bẽn lẽn nói :" Thưa Cô , con đi"...

Xa xa vang vọng tiếng ê a tập vần , ngôi trường và căn nhà lần lần mất hút trong tầm mắt như khép lại một khoảng đời thơ ấu.
Nhã Uyên
Nhã Uyên

Tổng số bài gửi : 887
Join date : 15/08/2009

Về Đầu Trang Go down

Những Bài Viết Cũ Empty Re: Những Bài Viết Cũ

Bài gửi by Nhã Uyên April 29th 2010, 05:06

Một Gia Đình



Nó lui cui loay hoay với một đống đồ nghề lỉnh kỉnh kềm , búa , mỏ lết , đinh ... Tay nó đen thui dầu nhớt, móng cắt ngắn mà vẫn cáu bẩn dù cạo rửa hoài vẫn không hết . Khó mà đóan được nó là con trai hay con gái nếu nhìn từ sau lưng , bộ đồ bảo hộ lao động màu xanh navy , cái mũ lưỡi trai đã ôm kín mái tóc dài quá mông nhưng được cuộn chặt nằm gọn ơ trong chiếc khăn vấn tóc . Chiếc càm nhỏ với cái mũi hếch lên chút xíu làm cho gương mặt nó mang nét ương ngạnh , ngổ ngáo như một thằng con trai . Nhưng lạ thay đôi mắt của nó lại khỏa lấp lại đường nét nam tính trên . Nhìn vào mắt nó , người ta cứ tưởng nó đang cười mà không cười , đang mơ mộng mà không lãng mạn ... và nếu không giựt mình tỉnh lại thì người ta có cảm tưởng đang đi lạc vào một khu rừng âm u , huyền thoại , có một chút tình tứ , một chút man dại và nét buồn não nề đã tạo nên một nét quyến rũ đặc biệt , cũng như thu hút người đối diện .

Tiếng máy dập đều đặn và chát chúa như vang dội thêm bằng sức hun đúc nóng nảy của một buổi chiều hè . Cái trần của cái factory nó làm cao thì không đủ để thoáng , lại lót bằng tôn nóng , nên vào muà Đông thì như cái tủ đông lạnh mà vào hạ thì .. ôi thôi làm cái lò nướng bánh mì cũng xong .

Từng giọt mồ hôi rịn ra từ cái trán phẳng lì với hàng chân mày hơi nhíu lại chảy quanh mắt vòng hai bên thái dương . Người đàn ông đứng khom lưng cạnh nó, tướng phụt phịch với cái đầu sói và cặp kính gọng vàng ra vẻ ông Chủ cũng tỏ vẻ sốt ruột không kém .

" Mày thấy sao , được chưa ??? Tao cần lô hàng này đóng gói đúng thơì hạn . Mấy thằng chủ kia hối quá chừng rồi . Mình mà lỗi hẹn thì khó kiếm hợp đồng khác với tụi nó . Mày ráng đi nha ! Tao đi uống nước rồi trở lại . Mày muốn uống không tao rót cho mày luôn ? "

Con bé lừng khừng , mím môi một cách khô khan rồi cương quyết lắc đầu :

" Ông đừng lo , để tui thử lại lần cuối , nếu kỳ này nó chạy được là okay . Tui cũng tới giờ phải về rồi , không cần rót nước . Cảm ơn ông "

Con bé thong dong vác chiếc ba lô bằng vải bố bạc thếch đựng lục cục vài cái container đựng cơm trưa , chai nước đã trống rỗng , cúi gầm mặt bước ra đường . Giờ này bọn nam công nhân ở công xưởng đối diện cũng vưà tan tầm . Con bé ghét nghe tiếng í ới trêu ghẹo của bọn nam nhân , nên bước thấp bước cao ra đường là lầm lũi đi một mạch . Ngang qua cái máy bán coke , nó lẹ tay bỏ vào đồng bạc và nhấn cái nút cái rột . Nhưng hình như cái máy cũng muốn trêu con bé , nuốt đồng tiền mà không chịu nhả lon nước . Nó vưà bực mình , vưà sợ bọn đàn ông đuổi theo như sợ ma đuổi .Đá vào chân máy cái bùm , không những lọt ra lon nước mà còn thêm mấy đồng lẻ , chắc của ai cũng bị kẹt . Nó vừa đi vừa vui vẻ hớp từng ngụm nước mát lạnh đầy gas , qua cần cổ xuống lồng ngực ,tới đâu cảm thấy ê lạnh tới đó . Cái cảm giác khoan khoái hết một ngày của nó là như vậy .

o0o

Năm giờ rưỡi chiều mà mặt trời còn hừng hực một trái cam đỏ khổng lồ như muốn hút hết những giọt nước trên mặt đất .Khu vực nó làm là industrial area , muốn về nhà phải đón vừa xe bus vừa xe lửa . Chuyê'n xe bus cuối cùng rời bến đem con bé ngồi dùng nón che mặt để thở , và suy nghĩ coi chiều nay nó sẽ nấu món gì cho bọn em đã đi học về . Nó suy nghĩ chắc giờ này thằng Tí thì đang hút bụi nhà , thằng Tèo thì bỏ đồ vào máy giặt rồi đem ra phơi . Chỉ có con Bé được anh chị cưng nhất còn có thì giờ mà học bài và đi học nhạc, đang gõ tưng tưng trên những phím đàn

Mỗi một tuần trôi qua vùn vụt . Mới đây mà bọn chúng nó đã nương tựa nhau mà sống được 5 năm . Ngày chúng lũ khũ khiêng những bao rác quần áo cũ mèm dọn vào căn chung cư của chính phủ này , trông chúng lam lũ tội nghiệp như những con mèo hoang , những đứa trẻ vô gia đình khốn khổ như một nhà văn hào Pháp đã viết trong tác phẩm nổi tiếng của ông ta . Cái thiên đường của xứ tự do là đây . Nơi phụ nữ và trẻ em được bảo vệ và nâng đỡ , nơi có biết bao nhiêu nhà từ thiện mở cửa , nơi không phải vàng bạc đầy đường nhưng chính phủ cũng có thể cấp tiền đi học , cấp nhà cho những người nghèo và cũng là mảnh đất cho những con người ở tận cùng xã hội phải tranh đấu .

Chúng nó cũng có Cha có Mẹ như ai chứ không phải từ đất nẻ chui lên . Nhưng mỗi con người có số phần , không thể ngửa mặt lên trời mà than " tôi sinh ra dưới một ngôi sao xấu " .Đáng lẽ gia đình nó cũng tươm tất lắm .

Cha Mẹ nó sinh được hai gái , hai trai . Trốn ra khỏi cái xứ sở Cộng Sản mà còn nguyên vẹn cả nhà là một sự may mắn , so với những người phải bỏ thây ngoài biển cả , làm mồi cho cá , hay bị bọn hải tạc hiếp đáp , cưỡng đọat ... Nó chưa đủ khôn ngoan để hét lên nó có quyền để sống , tồn tại , nó có quyền được thương yêu và bảo vệ trong một gia đình , được giáo dục đế thành một công dân bình thường và hữu dụng . Nó có quyền .. có Cha và có Mẹ !

Vậy mà nó đã không . Không biết đòi hỏi " cái quyền " bình thường nhất , nhỏ nhặt nhất như bất cứ một đứa trẻ nào trong những gia đình khác .

Nó đã âm thầm chịu đựng , cũng như đau khổ từ ngày Mẹ nó tuyên bố đòi "tự do " . Tự do khỏi những luân thường đạo lý của người đàn bà Việt Nam , tự do khỏi làm thân cò tần tảo sớm hôm lẳng lặng bên ao đục ao trong mà lặn lội nuôi con . Mẹ nó tìm một thứ tự do mơ'i trong vòng tay của một vũ sư , đã xập xình với Mẹ nó một trong những hội phụ nữ , hội cao niên , đồng hương hội ... hay một hội sinh họat nào đó mà Mẹ nó đã tham gia .

Đầu óc nó đặc câm , mộng mị , nó chỉ man mán hiểu rằng Mẹ nó lấy lý do Ba nó lúc nào cũng rượu chè bê bết , không biết lo cho gia đình , từ nay Mẹ nó sẽ không còng lưng nuôi chồng , nuôi con nữa (! ?) ... dù tiền thất nghiệp của Ba nó thì Ba nó đổ vào các hủ chìm , tiền đi may lậu trốn thuế của Mẹ nó thì Mẹ bỏ túi . Tiền chi phí trong gia đình được rút ra từ 4 cái keycards nhỏ ,đó là tiền đi học mà nhà nước cấp phát cho chị em chúng nó . Tuy không đủ đâu vào đâu , nhưng cũng đủ trả tiền nhà $120 mỗi tuần , tiền xe bus cũng được nhà nước cho , sách vở thì đi xin sách cũ về học . Quần áo thì nay người quen này quăng ra một bọc mặc không vừa , đồ sale mua về không thích nữa , hay những bà thợ may dư cái áo may lỗi , cái quần cắt xéo, thay vì mất công bỏ rác hay cho những hội từ thiện thì cứ phủ lên người chị em chúng nó mà đắp đổi qua ngày ...tất cả chi phí hình như chỉ có tiền ăn và tiền rent .

Mẹ nó đi rồi mà vẫn quên bỏ túi theo mấy cái keycards của bọn nhỏ . Để mỗi tháng bà có cơ hội phát lại cho chúng $ 120/ week tiền nhà , $ 120/week tiền đi chợ , nấu ăn ... còn the rest thì bà để con bé tự bươi móc ở đâu đó ra mà trả tiếp ( như tiền điện , nước , tiền học cho nó và các em và bất cứ một thứ tiền bất chợt nào đó phải chi tiêu trong gia đình .. ) .

Trước kia nó cũng cầu mong hằng đêm Bà sẽ thức tỉnh hay hối hận mà trở về với chúng . Bà có giận gì chồng thì chúng nó cũng là máu mũ hay từng khúc ruột Bà sinh ra . Nó thường nức nở khi nghe bài Lòng Mẹ của Y Vân . Lòng Mẹ bao la như biển Thái Bình dạt dào ...Nó nức nở khi trong giấc mơ nó nhìn thấy được Mẹ nâng niu khi nó ngã , hay dụi vào lòng Mẹ mà làm nũng . Nhưng khi tỉnh lại , nó lặng lẽ đếm từng gịot nước mưa đang loang lỗ trên trần nhỏ đều đều vào cái thùng để giữa phòng ngủ của chúng nó . Nó gạt nước mắt để bọn em khỏi nhìn thấy , rồi tự đi cớ mất thẻ rút tiền nhà bank , và xin số account mới , và mỗi tuần không thèm kiếm gặp Mẹ nữa

Ba nó , người đàn ông trụ cột của gia đình là một .. hủ chìm , không hơn không kém . Sáng ông súc miệng bằng rượu , trưa say chiều sỉn . Ban đầu ông còn vài người bạn nối khố , hay những người bạn học ở quân trường ra cùng lượt với ông . Sau khi chén chú chén anh thì cứ thương tiếc cái thời vàng son của một người sĩ quan trong quân đội VNCH , rồi trách thời trách thế , đổ tội cho bọn Việt cộng ... rồi cuối cùng chỉ còn cái đô'ng chai nằm lăn lóc quanh những bợm rượu như một nghĩa địa vinh danh những chiến sĩ vị quốc vong thân . Có những người cũng đệ tử thần lưu linh nhưng xem ra còn chút bản năng của đàn ông thì cũng ráng gượng dậy đi làm lo nhà lo cửa cho vợ con ,chỉ còn tửu hữu kỳ cựu của Ba nó là thứ dân không nhà không cửa , không vợ không con có làm ma đầu đường xó chợ thì cũng không ai màng tới . Con bé đi học về còn phải dọn dẹp cái đống rác họ bày bừa , rửa chén , lau nhà , lâu lâu còn phải bịt mũi lau sạch những thứ mà họ . .. cho chó ăn chè .

Nó rất thông cảm cho người Mẹ ham vui của nó khi có một ông chồng bết bát như vậy . Nó có một lời nguyền hơi độc địa là thằng con trai nào đụng tới một giọt rượu thì có là bồ của nó cũng bị bỏ là chuyện đương nhiên , đừng nói được làm chồng .

Mọi chuyện đều có limit , nó thương Ba nó , dù ông là một người Cha vô trách nhiệm và nghiện ngập . Nếu như không phải là một giọt nước làm tràn ly , thì ngày ngày nó vẫn cu ky vừa đi học vừa lo việc nhà , cuối tuần đi rửa chén hay chạy bàn vào những tối thứ sáu , bảy , chủ nhật , kiếm mỗi đêm chừng $ 50 mà phụ giúp gia đình . Mùa hè nó đi cắt chỉ , ủi mướn , bán bánh mì , hay gò lưng trong công xưởng mà kiếm thêm chút tiền tiêu vặt cho các em . Cái khổ của nó không có người để than van , an ủi , không có một bà tiên nào gõ đũa thần để mang nó ra khỏi cuộc sống tối tăm .

Đếnchiều tối một hôm , chị em nó đang ăn cơm chiều trước khi sửa soạn làm homework. Ba nó khật khựa đi về . Nó chẳng buồn nhìn lên chào hay hỏi Ông ăn cơm chưa . Hình như trong mắt nó Ông không có tồn tại .

Mùa rượu nồng nặc với khuôn mặt đỏ kè như gà tre , Ông dừng lại như bàn ăn và lớn tiếng hỏi :

_Đứa nào " ăn cắp " bóp của Ba ???

Bọn nhỏ riu ríu dừng ăn cơm , và lỏ đôi mắt cầu khẩn Chi Hai chúng . Con Bé như không để ý Ông Già nó nói gì , lặng lẽ nhai cơm , lặng lẽ uống nước , và lặng lẽ gom những cái chén còn đang ăn dỡ của em nó đem đi rửa , nó biết sẽ chẳng còn đứa nào nuốt nỗi cơm vô bụng .

Hình như thái độ lặng lẽ và " khinh thường " của con Bé như dầu đổ thêm vào lửa . Người Cha quát mắng om sòm , nghe đâu số tiền khi sáng ông vừa rút ra thì còn mà sau khi đi nhậu về thì mất . Tuy tra tấn tinh thần cả bốn đứa con , nhưng Ông lại gằn những thằng con trai nhứt . Làm như chỉ có con trai mới dám phạm tội .

Một chất gì đắng chát dâng lên cổ họng nó , nghèn nghẹn nó nuốt đi . Các em nó cho dù không được Cha Mẹ giáo dục , vẫn rất ngoan . Những lần trường gởi giấy mời phụ huynh đi họp , chúng đều không có Cha Mẹ đại diện . Mẹ thì đùn qua Ba
" Mẹ phải đi làm , tụi bây kêu Ba đi . Ổng tối ngày chỉ biết có .. đi nhậu ..." .

Bọn trẻ nhào qua "đòi " Ba đi họp thì Ông ậm ừ trong miệng .Rồi tới hôm đó đi nhậu trước , lúc tới trường cũng là lúc phụ huynh tan buổi họp .

Nó đau đớn nghĩ thầm cái câu " thương cho roi cho vọt , ghét cho ngọt cho bùi " , người Cha vĩ đại của chúng đang cầm cây đũa bếp lăm le khi Ông đang "sỉn " với một nguyên nhân là "mất tiền " . Không biết bị ai móc túi hay rớt giữa đường , bây giờ lại tra khảo đàn con .

Nó ngồi bấu lấy cạnh bàn , móng tay nó đã cắm phập vào thớ gỗ ,cào cào như con mèo cái đang giận dữ khi có người muốn bắt mèo con .Cái cảm giác phải xem bi hài kịch trước mặt nó và miếng sắt của cạnh bàn bên nào cứa đau hơn . Từng lằn roi Ông quất xuống hai đứa em là những lằn dao cứa trái tim của Nó . Mắt nó long lên sòng sọc . Không chứa nước mắt mà máu trong người nó đang sôi ùn ụt dồn lên trên mắt , như muốn phá vỡ tất cả các mạch máu và trào ra . Nó không khóc bằng nước mắt , nó khóc bằng máu .Cả người nó rung rung , rần rần đỏ ngầu như một con thú bị say thuôc...

"Ầm " tiếng đổ vỡ khô khan vang lên làm mọi người giựt mình , tiếp theo là tiếng lẻng kẻng của bao nhiên ly , tách ,chén dĩa đổ ào xuống đất .Tiếng rổn rảng của những âm thanh hỗn loạn pha lẫn đã thay thế tiếng khóc của những đứa con tội nghiệp

Ba nó đã ngừng tay lại , ngơ ngác nhìn Nó _ đứa con gái đã co chân đạp sụm cái bàn tròn được xếp bằng 2 nửa miếng gỗ hình bán nguyệt . Ông cũng hơi tỉnh tỉnh lại mất phần . Quăng cây roi vào góc nhà , rồi bỏ đi mất dạng .Đứa em gái đứng thút thít sợ hãi nơi góc tường nhìn hai thằng anh đang bị đứng úp mặt vô tường , mình mẩy như 2 con ngựa vằn ...

o0o

Hôm sau nó nghỉ học , chạy ra bộ xã hội xin can thiệp . Nó chưa dám thưa Ba nó đánh đàn con vì còn sợ Ba nó bị lôi ra toà hay bị Police bắt bỏ tù thì cũng mất công Chị em nó đi thăm nuôi . Nó xin nhà cho 4 chị em nó ra riêng với lý do vì Ba Mẹ cãi lộn nhau hàng ngày và cản trở việc học của bọn chúng .

Không đầy hai tuần sau ,căn chung cư sạch sẽ , 2 phòng cho 2 gái , 2 trai đã được đứng tên nó và các em . Căn unit cũ kỹ mươ'n tư cũng có 2 phòng , nhưng 4 chị em nó nằm giường chồng như trại tù hay trại lính trong một phòng , còn phòng kia nơi dành cho Ba Mẹ nó gây lộn hằng đêm cũng được trả lại chủ cho thuê.

Nó lạnh lùng khăn gói quả mướp , sách vở của cả đám em , chẳng thèm bàn bạc với Ba Mẹ nó . Từ nay , chúng nó sẽ tự lực cánh sinh , không phụng dưỡng hay hiếu thảo gì với Cha Mẹ nữa hết . Thân ai nấy lo , nghiệp ai nấy giữ .

Chiều đó Ba nó về , cái gọi là căn nhà hay tổ ấm của một gia đình thì chỉ còn loe hoe vài miếng giấy rác , đồ đạc , giường ra và những chai rượu đã cạn của Ông . Bốn đứa con không cánh mà bay , không một lời từ giã hay từ ...Cha của chúng . Ông được trả về với bản chất thật của ông , không nhà cửa , vợ con , không tài sản , chỉ có cái thân tàn ma dại không ai muốn chứa chấp , và một số tiền hàng tuần được chính phủ cấp cho cựu chiến binh mà sống qua ngày . Bấy lâu nay không biết có phải ông đã được quá dung túng hay không , mà tới tuổi về chiều lại là lúc ông phải đối diện với cái "nghiệp " mà ông đã tạo ra

o0o

_Chị Hai về rồi !

Tiếng cả ba đứa em gần như reo lên cùng một lúc . Đối với nó , các em là mang sống của nó , là động lực bắt nó phải vươn lên , phải cố gắng làm việc mỗi ngày 16 tiếng , mỗi tuần 6 ngày ... Đôi vai bé nhỏ của nó đôi khi run lên bần bật vì kiệt sức ,thì tình yêu dành cho các em lại làm cho nó có thêm sức mạnh và nghị lực . Nó nhớ tới những đôi ma('t trong suốt của thằng Tí , thằng Tèo và Bé Út như mắtcủa những con chim côi cút cần một đôi cánh , một mái ấm che chở . Cuộc sống của chúng hình như niềm vui quá ít ỏi , cho nên bất cứ một điều gì cũng có thể đem lại cho chúng nụ cười ... thỏa mãn . Nó nhớ lần đầu tiên chúng dành dụm được $3500 để mua chiếc xe hơi cọc cạch ,đã già hơn 30 năm của một người bạn muốn đổi xe mới . Chúng xăm soi chiếc xe như một báu vật

_Chị Hai coi nè , xe này còn có power window, đủ cả radio cassette , alloy wheel ...

Nó đứng nghẹn ngào trong sung sướng khi đàn em nổ máy xe cả buổi mới làm ấm máy . Nó âm thầm đặt cho mình những mục đích : nhà cửa , xe tốt , các em nó sẽ ăn học thành tài ...và một gia đình với đầy đủ ý nghĩa của chữ ấy !

( chưa xong )
Nhã Uyên
Nhã Uyên

Tổng số bài gửi : 887
Join date : 15/08/2009

Về Đầu Trang Go down

Những Bài Viết Cũ Empty Re: Những Bài Viết Cũ

Bài gửi by Nhã Uyên April 29th 2010, 05:11

Chân Quê




Số là vầy , tôi cứ bị các chị tôi xúm lại chê tôi là "con bé nhà quê ", không biết chưng diện, không biết ăn mặc , con gái con lứa gì cứ như con trai , không ra dáng yểu điệu thục nữ chút nào .

Không phải tôi không bị .. ấm ức , cũng không phải tôi thuộc loại hiền lành , nhỏ nhẹ hay khù khờ gì cho cam mà không biết trả lời trả vốn . Tôi còn thuộc nguyên bài " Chân Quê " của Nguyễn Bính để .." trả đũa " trong trường hợp cần thiết :


Hôm qua em đi tỉnh về
Đợi em ở mãi con đê đầu làng
Khăn nhung quần lĩnh rộn ràng
Áo cài khuy bấm, em làm khổ tôi!

Nào đâu cái yếm lụa sồi?
Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân?
Nào đâu cái áo tứ thân?
Cái khăn mỏ quạ, cái quần nái đen?

Nói ra sợ mất lòng em
Van em, em hãy giữ nguyên quê mùa
Như hôm em đi lễ chùa
Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh

Hoa chanh nở giữa vườn chanh
Thày u mình với chúng mình chân quê
Hôm qua em đi tỉnh về
Hương đồng gió nội bay đi ít nhiều


(NB)
Nhưng "kẻ biết thời cơ là tuấn kiệt " , tôi chẳng dại gì mà đi "đối nghịch "với các bà trong lúc này ,ngay trên giường , trong phòng ngủ nếu tôi không muốn bị vặt ...lông . Muốn chuồn êm thì phải " ngậm ngải qua rừng " , tức lái kẻ địch qua mục tiêu khác chẳng hạn hỏi về :chuyện shopping , chuyện cách "trị "chồng " bồ bịch , hay theo dõi " gian tình " ra sao ... Lâu lâu còn phải " đía " thêm chuyện "tình cảm " của tôi ,để các bà làm " quân sư quạt mo " thì họa may tôi mới thoát khỏi ...tai kiếp

Tôi không có nói ngoa chút nào , nếu tôi mà có một xíu ...sơ hở nào thì các bà nhất định không bao giờ tha cho tôi . Họ sẽ đè tôi xuống ... nhổ sạch sẽ từ đầu tới ...gót chân . Nếu gót chân có lông thì cũng đã bị vặt từ lâu . Chân mày của tôi mà họ nói là sẽ làm thành chân mày ...lá liễu . Dĩ nhiên tôi đã phản đối kịch liệt :

_Thời buổi này mà lá răm với lá liễu gì nữa chứ . Nhổ chân mày như các Chị là quê lắm rồi . Nếu muốn kẽ chân mày dài ,ngắn, đủ thứ màu và nhứt là không hề ..phai , thì em cứ ra tiệm Beauty Salon biểu người ta cạo hết hàng chân mày này rồi .. tattoo vào đó : lá răm , lá liễu , lá me , lá lúa ...gì đó tuỳ thích . Không giống ma thì cũng giống Michael Jackson chẳng hạn ...

Nhưng sự phản kháng của tôi bao giờ cũng yểu xìu như gió thoảng qua tàu tre hay tiếng vo ve của ruồi muỗi . Tôi nói mặc tôi . Việc làm ..đep... cho người khác là nhiệm vụ "thiêng liêng" của các Chị . Nhìn bộ đồ nghề của các bà là phát " ớn lạnh " .Nào nhiếp , tông đơ ( Gillette) , kéo , kềm ,wax hay keo dán rồi giựt ra từng mảng ...Có cả kem , phấn làm giảm đau ,nhưng hình như thứ nào với tôi cũng là những món đồ để " tra tâ'n " .

Không biết vì da tôi quá nhạy cảm , hay vì tướng tá quá hùng hồn của các bà Chị mà làm tôi luôn " giựt thót " tim , thiếu điều xón ... nước mắt khi mỗi cọng chân mày được ...tỉa . Tôi vẫn không thể nào hiểu được thế giới phụ nữ , "đê mê" ở chỗ nào mà như bắt được vàng khi nhổ được một cọng " tóc ngứa " , hay "tóc bạc " .

Nếu tôi không tự hãm mình thì đã vọt miệng " Sao các chị không đi nhuộm .. bạc cả cái đầu rồi cạo luôn một thể . Tằn mằn chi cả buổi để giựt ra vài sợi như vậy ?".

Tôi biết ánh mắt của họ sẽ là những ánh dao thật sắc để " liếc " tôi , cái con bé nhà quê , cái con weird nhất trần đời . Có lẽ mụ bà nắn lộn nó hay sao mà nó mới không biết cái gì là " làm đẹp " của phụ nữ . Rồi ôi thôi sau đó đủ thứ màn tẩm quất như lột da mặt , se lông mặt , se lông chân , làm mặt nạ bằng .... salad có , thực phẩm có ( dưa leo , cà chua , lòng trắng hột gà , nước vo gạo , mật ong , sữa dê .... ) , và đủ các thứ thần dược làm trẻ đẹp được mua từ Tây , Tàu , Việt nam ,Đại hàn ... Nguồn gốc những món đặc chế đó càng ly kỳ thì càng hấp dẫn mỗi bà mệnh phụ nhất định phải ...rinh về nhà làm của riêng cho mình .

Họ vẫn thường dạy tôi cách làm đẹp từ trong ra ngoài , từ trên xuống dưới , từ dáng đi tha thướt từ tốn , cho tới lối ăn mặc theo thời trang . Hoa tốt nhờ hương , người sang nhờ .. quần áo (!?) . Có khi tôi thấy một bà khập khiễng bước vô nhà vì đôi giày cao gót bị sút đâu mất cái đế đinh . Có hôm tôi nghe con chó sủa ăng ẳng đau vì một bà bước vào nhà mà mang đôi sa bô to tổ bố cao lêu nghêu trông kệch cỡm hết sức nhưng được cho là " đẹp " vì nó đang là Mode thịnh hành dù nó làm đôi bàn chân trông ô dề như chân trâu và thân hình người đi không được cân bằng và như muốn té nhũi về phía trước ... vậy mà họ đã tốn hơn trăm đô để vác đôi dép ( giày) đó về .

Đến phần áo , hết xẻ ngang xẻ dọc , xẻ trước xẻ sau , hết nông lại tới sâu khi thì hứng nắng trời và cũng lắm khi để ... cạo gió ( theo lời bác Nguyễn Ngọc Ngạn trên Paris by Night). Còn về quần thì hết túm tới loe . hết cao chó táp 7 ngày không tới cho đến làm cây chổi lết phết quét mặt đường .

Có hôm nổi hứng tôi cũng bắt chước họ làm ..thục nữ . Sau khi đi dạo một vòng shopping mall ngắm mõi mắt những búp bê Mannequins với những chiếc quần ống loe , lưng thấp hơi trề trệ xuống dưới eo , ngang bụng dưới và mắc ngang cái xương.. chậu . Tôi có đọc báo vừa qua , các ông bình phẩm quá trời cái lọai mode quần đó vì các bà các cô có sức tải trên 200 lbs mà mặc vào thì đúng là đang vi phạm ..thuần phong mỹ tục hay làm chết con mắt của thiên hạ vì nó cứ tuồn tuột qua khỏi nửa cái mông thấy cả cái G_string màu gì hay cái rãnh nức của "đồi thông hai mộ" . Tuy không dám sánh với cái đẹp nhất của Jennifer Lopez nhưng tôi cũng tự hào mình là con người ...đầy đặn . Sau khi đem mấy cái quần à la mode về nhà . Tôi chỉ dám thử mặc đi tới đi lui trước ..kiếng , thấy cũng mát mắt rồi ...đem cất vào rương cho chuột gậm


Chân quê thì mãi là ...quê
Nhã Uyên
Nhã Uyên

Tổng số bài gửi : 887
Join date : 15/08/2009

Về Đầu Trang Go down

Những Bài Viết Cũ Empty Re: Những Bài Viết Cũ

Bài gửi by Nhã Uyên April 29th 2010, 05:14

Mưa ...


Sáng nay tôi cảm thấy thật làm biếng để bước ra khỏi cái giường . Nếu không vì một cái hẹn thì tôi sẽ nướng mình thành cục than luôn ...

Lồm cồm bò dzậy ...

Lồm cồm sửa soạn và make up ...

Ông trời hôm nay xấu quá đi , âm âm , u u , mưa nhè nhẹ ... Ngày xưa tôi từng hỏi mẹ :

_Mẹ ơi! sao có nhiều loại mưa quá vậy ? Mưa phùn , mưa rào , mưa giông ,mưa lâm râm cây trâm có trái , mưa bong bóng phập phồng ... Smile

Mẹ tôi nói ( chắc theo hiểu biết của người ) , tôi cũng không biết có đúng sách vở và tự điển Việt ngữ hay không . Nhưng trong tâm tôi vẫn đinh ninh những điều Mẹ nói là phải :

Mưa phùn là mưa lất phất rất nhẹ , không đủ làm ướt đầu người , thường ở ngoài Bắc vào muà lạnh . Như vậy mưa phùn là mưa nhẹ và la.nh.

Mưa rào là mưa lớn phất ngang và mau tạnh . Hồi nhỏ tôi có làm văn tả mưa rào , bài đó điểm cũng không tệ . Chắc định nghĩa mưa rào không có sai

Mưa giông là mưa lớn do giông bão mang tới . Sấm sét làm trời tối đen , có thể xảy ra sau một hay nhiều ngày oi bức

Mưa lâm râm cây trâm có trái , mưa bong bóng phập phồng ...thì chắc trong ca dao , vè , thơ , văn , kịch ... gì đó . Tôi chỉ đuà và thêm thắt cho vui

Nói vậy chứ tôi không ghét trời mưa , thậm chí còn thích trời mưa . Đi dưới mưa có người cầm dù cho mình ăn chest nut :o là một thú vị của đời người . Chắc các bạn cũng biết chest nut rồi ( nếu hông biết thì ra fruit shop hỏi ) . Không biết có nên dịch là hạt dẻ không . Vì ở bên này có vô số loại hạt có nhiều cỡ , hình dáng loại vỏ cứng mềm khác nhau như hazel nut ,macadamia nut....Nhưng chung quy đều rang hay nướng lên mới ăn được

Ngay China Town, buổi tối có một ông Tàu đẩy chiếc xe kiểu chiếc xe "sực tắc " hay xe bán cháo , bán phở ...ở Viet Nam . Để một cái chảo thiệt lớn , trong đó có những cục than đen như than đá . Dùng lò ga đốt nóng dưới chảo , và ông Tàu đó vưà xúc vưà xáo liền tay ,những cục than lẫn với những hạt dẻ hay chest nut ở trong đó . Tôi cho là một hình thức rang muối theo người Việt

Không biết các bạn có cảm giác thế nào khi nhìn một hình ảnh như vậy . Đối với tôi , tôi nhớ lắm những người lao động ở quê mình , bỏ công bỏ sức buôn gánh bán bưng để kiếm những đồng tiền mồ hôi nước mắt ... Đứng coi một hồi tôi mủi lòng muốn chảy nước mắt thì anh bạn tôi lại tưởng tôi bị xông khói cay mắt . Anh lại xe mua cho tôi một gói hạt dẻ vưà rang . Chỉ có năm đô một gói ( chắc khoang? 3 đô Mỹ ) bằng chừng lon sữa bò . Lần đầu tiên tôi ăn hạt dẻ ..dưới mưa ( đúng hơn là dưới cây dù anh cầm ) . Những hạt dẻ hơi giống hạt cao su ( có thì giờ tôi sẽ nói về cây cao su và trái cao su ở VN mình ) , vỏ nướng rồi thì giòn và mềm để mình bóp bể chứ không cần đồ đập . Hạt dẻ mềm , buì , mằn mặn ngon hơn hạt mít lùi tro ...:p

Không biết nhìn tôi ăn say sưa thế nào ...mà anh rù rì bên tai tôi :

_Cám ơn em !!!. Không có em thì ...đời anh không có ...mưa !!!

_!!!???

Hihi , chắc các bạn cũng ngỡ ngàng , giựt mình như... tôi ,khi nghe một câu ... cải lương như vậy . Và không biết bộ ...tôi đem mưa gió gieo vào đời anh hay làm anh đứng cú rũ như con gà mắc mưa dưới cây dù với tôi :D ... Không đâu !!! ... ý anh nói là anh cũng thích ... trời mưa , thích đứng dưới mưa , và thích đi chung với tôi vưà ăn hạt chest nut ... Sở dĩ câu cú của anh có nhiều meaning như vậy bởi vì anh rời Viet Nam lúc mới lên 8 , 9 tuổi và trong môi trường anh sống không sử dụng tiếng Việt . Ba Mẹ anh thì rất cấp tiến , ông bà muốn học sinh ngữ thì nói chuyện với những đứa con của mình bằng tiếng Anh ở nhà . Ông Bà quên mất dạy cho con tiếng Mẹ đẻ , và nay thì .. anh bập bẹ tiếng Việt như một đứa trẻ lên ba .

Lúc mới quen anh thì tôi đã ...kiêu kỳ ( tránh nói mình ...dốt ) " tôi là người Việt . Tôi không thích nói chuyện với người Việt bằng .. tiếng Anh " . Dĩ nhiên là anh ... nhăn như khỉ ăn ớt . Nhưng sau đó anh trịnh trọng hứa với tôi " Vì em , anh sẽ học tiếng Việt ".

Đến nay thì tiếng Việt cũng anh cũng khá lắm rồi , khá đến nhiều lúc nói ra một câu làm tôi chưng hửng , hay bật cười ...Nhưng không sao . Đời còn dài ... và không ai biết được điều gì trong tương lai . Nhưng tôi vẫn ngâm nga một bài thơ của Nguyên Sa đã được chuyển thành bài hát

Tháng sáu trời mưa, trời mưa không ngớt
Trời không mưa anh cứ lạy trời mưa
Anh lạy trời mưa phong toả đường về
Và đêm ơi xin cứ dài vô tận

Đôi mắt em anh xin đừng lo ngại
Mười ngón tay đừng tà áo mân mê
Đừng hỏi anh rằng: có phải đêm đã khuya
Sao lại sợ đêm khuya, sao lại e trời sáng...

Hãy dựa tóc vào vai cho thuyền ghé bến
Hãy nhìn nhau mà sưởi ấm trời mưa
Hãy gởi cho nhau từng hơi thở muà thu
Có gió heo may và nắng vàng rất nhẹ

Và hãy nói năng những lời vô nghĩa
Hãy cười bằng mắt, ngủ bằng vai
Hãy để môi rót rươu vào môi
Hãy cầm tay bằng ngón tay bấn loạn
...

Nguyen Sa

NU (ca?m hu*'ng nga`y cuo^'i tua^`n )
Nhã Uyên
Nhã Uyên

Tổng số bài gửi : 887
Join date : 15/08/2009

Về Đầu Trang Go down

Những Bài Viết Cũ Empty Re: Những Bài Viết Cũ

Bài gửi by Bé Ngoan May 2nd 2010, 08:20

Những bài viết cũ được mang ra đúng lúc và gặp ... đúng người chưa đọc nên rất hay và rất ... mới ...

Chuyện đầu tay của bé Uyên dễ thương, hay và ... ngậm ngùi ghê . Mấy đoản văn thì bé Ngoan chưa đọc hết . Bữa đọc trên iphone tới khúc ... mực xanh chói lòa con mắt nên bé Ngoan không dám đọc sợ bị ... cận nặng thêm tốn tiền làm ... mắt kiếng mới . Để bé Ngoan copy to word document rồi sửa màu lại đọc cho ... đỡ chói lọi ... hihi ...
Bé Ngoan
Bé Ngoan

Tổng số bài gửi : 558
Join date : 22/08/2009
Đến từ : Lều Thơ

Về Đầu Trang Go down

Những Bài Viết Cũ Empty Re: Những Bài Viết Cũ

Bài gửi by Nhã Uyên May 3rd 2010, 02:41

Mấy bài viết nhăn nhít ở TN bỏ thì thương vương thì thấy nặng lòng . NU nhìn lại hộp PM và YKBD ở TN thấy mấy người ở đó dễ thương ghê . Và có người đã ra đi rồi như cô Ái Khanh , thấy thiệt bồi hồi ray rứt áh Ti Vi ! . Tiểu Thảo và sis Hoài Yên cũng nên đem của về nhà mình chôn đi . Biết đâu mình sống thọ với căn nhà này thì sao Rolling Eyes beercheers
Nhã Uyên
Nhã Uyên

Tổng số bài gửi : 887
Join date : 15/08/2009

Về Đầu Trang Go down

Những Bài Viết Cũ Empty Re: Những Bài Viết Cũ

Bài gửi by Bé Ngoan May 3rd 2010, 02:58

Nhã Uyên đã viết:Mấy bài viết nhăn nhít ở TN bỏ thì thương vương thì thấy nặng lòng . NU nhìn lại hộp PM và YKBD ở TN thấy mấy người ở đó dễ thương ghê . Và có người đã ra đi rồi như cô Ái Khanh , thấy thiệt bồi hồi ray rứt áh Ti Vi ! . Tiểu Thảo và sis Hoài Yên cũng nên đem của về nhà mình chôn đi . Biết đâu mình sống thọ với căn nhà này thì sao Rolling Eyes beercheers

Viết hay lắm chứ có nhăng nhít đâu bé Uyên .

Yeah, ở TN có nhiều người dễ thương lắm ... Bữa, bé Ngoan cũng qua đọc lại PM cũ và bé Hoài Yên là người viết PM sau cùng cho TTV ... hihi ...
Bé Ngoan
Bé Ngoan

Tổng số bài gửi : 558
Join date : 22/08/2009
Đến từ : Lều Thơ

Về Đầu Trang Go down

Những Bài Viết Cũ Empty Re: Những Bài Viết Cũ

Bài gửi by hoài yên May 3rd 2010, 12:31

bé NU thương,

cả một cuối tuần vừa rồi ở nhà lần mò đọc những bài viết của bé NU đó, tự hỏi viết hay vậy mà sao bây giờ không chịu viết tiếp, tối ngày cứ đi dụ người khác viết là sao vậy hở ? hở ? ... gun3

hoài yên

Tổng số bài gửi : 277
Join date : 12/10/2009

Về Đầu Trang Go down

Những Bài Viết Cũ Empty Re: Những Bài Viết Cũ

Bài gửi by hoài yên May 3rd 2010, 12:32

Bé Ngoan đã viết:Yeah, ở TN có nhiều người dễ thương lắm ... Bữa, bé Ngoan cũng qua đọc lại PM cũ và bé Hoài Yên là người viết PM sau cùng cho TTV ... hihi ...

hihi .. hay tại cái PM đó mà người ta phải đóng cửa TN hở bé Ngoan ? lol!

hoài yên

Tổng số bài gửi : 277
Join date : 12/10/2009

Về Đầu Trang Go down

Những Bài Viết Cũ Empty Re: Những Bài Viết Cũ

Bài gửi by Bé Ngoan May 7th 2010, 04:44

hoài yên đã viết:
Bé Ngoan đã viết:Yeah, ở TN có nhiều người dễ thương lắm ... Bữa, bé Ngoan cũng qua đọc lại PM cũ và bé Hoài Yên là người viết PM sau cùng cho TTV ... hihi ...

hihi .. hay tại cái PM đó mà người ta phải đóng cửa TN hở bé Ngoan ? lol!

Dám lắm à bé HY . Thôi bé HY vô vhnt PM cho bé Ngoan coi lần này họ có đóng cửa không thì ... biết liền à ... Razz kiss
Bé Ngoan
Bé Ngoan

Tổng số bài gửi : 558
Join date : 22/08/2009
Đến từ : Lều Thơ

Về Đầu Trang Go down

Những Bài Viết Cũ Empty Re: Những Bài Viết Cũ

Bài gửi by Sponsored content


Sponsored content


Về Đầu Trang Go down

Về Đầu Trang

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
Bạn không có quyền trả lời bài viết